Khói "lạ" bao phủ thành phố Hà Nội là loại khói gì?
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chị Nguyễn Ngọc Thảo (Định Công, Hà Nội) vừa ra đến đường đã “nước mắt nước mũi dàn dụa” vì khói lạ bủa vây xung quanh mình. Một đoạn ngắn về nhà bình thường chỉ mất chừng chục phút hôm nay đã kéo dài thành nửa tiếng đồng hồ vì Thủ đô đã bắt đầu vào mùa… khói.
Ngày hôm nay, 5/7, nhiều khu vực trên địa bàn các khu dân cư, đô thị mới trên địa bàn Thủ đô bị khói mù bao phủ như một màn sương mờ. Không khí tại các khu dân cư đặc quánh và nhuốm đầy mùi khói.
Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, từ khoảng 8 giờ tối ngày hôm qua, nhiều khu vực nội thành bắt đầu bị “bao vây” bởi một màn khói mỏng. Càng về đêm, màn khói này càng trở nên dày đặc khiến tầm nhìn của các phương tiện giao thông giảm sút đáng kể.
Anh Nguyễn Minh Đức, ở khu đô thị mới Linh Đàm cho hay, bắt đầu từ cuối buổi chiều ngày 5/7, trên đường đi làm về, anh đã thấy mùi khét trong không khí.
“Càng về khuya, mùi khét này càng nồng hơn. Đi ngoài đường, tôi còn thấy mắt mũi cay xè, rất khó điều khiển xe,” anh Đức than thở.
Khói mù đã tấn công hầu hết các tuyến giao thông. Người đi đường dọc các tuyến phố Tôn Đức Thắng, Nguyễn Chí Thanh, phố Bạch Mai, rồi đến Đại Cồ Việt, Trần Hưng Đạo... đều ngửi thấy “mùi” của khói. Dưới ánh đèn đường, khói bay lảng vảng như sương khiến người đi đường rất khó chịu vì bị cay mắt, khô mũi.
Không chỉ vậy, các khu dân cư, khu đô thị mới cũng không thoát khỏi sự bủa vây của khói… đặc biệt là các khu vực cầu Long Biên, Chương Dương.
Tại chân cầu Chương Dương, vào thời điểm 21 giờ 20 phút, theo quan sát của phóng viên, khói từ khu vực ngoại thành liên tục bị gió “bơm” vào nội đô. Thậm chí, ngồi trong nhà, đóng kín cửa vẫn ngửi thấy mùi hôi nồng của khói. Không khí càng trở nên khó chịu và ngột ngạt hơn với những khu vực bị mất điện đêm qua như Thanh Xuân, Ngã Tư Sở, Hoàng Mai.
Vừa dẫn đứa con nhỏ ra khỏi nhà hóng gió được một lúc, chị Ngọc Mai (Định Công, Hoàng Mai) vội vàng đưa con về nhà khi nhận thấy hiện tượng lạ.
"Thấy đứa nhỏ dụi mắt liên tục và ho, tôi mới để ý cả khu phố như đang bị hun khói. Đành phải đưa cháu về nhà, đóng kín cửa ngồi chờ khói tan" chị Xuân nói.
Nhiều người dân từng sống ở các vùng quê lân cận Hà Nội cho biết, nguyên nhân tình trạng này là do nông dân khu vực ngoại thành đốt rơm rạ sau thu hoạch. Bà Xuân (CT2A Văn Quán) nói, trước đây bà sống ở quê, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ). Cứ đến mùa thu hoạch lúa, người dân lại phơi rơm rạ để dành cho việc đun bếp, nấu nướng. Nhưng mấy năm gần đây, do người dân sử dụng bếp gas, bếp than nhiều nên lượng rơm rạ không dùng đến được nông dân đem đốt hết.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội có hiện tượng khói bao phủ khắp phố phường. Vào thời điểm này các năm trước, Hà Nội cũng có hiện tượng tương tự.
Theo ông Đặng Văn Khoa - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương Phúc Yên cho biết việc người dân đốt rơm rạ tạo ra loại khói lan toả trong không khí sẽ ảnh hưởng khá lớn đến hệ hô hấp của người hít phải.
Việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao, nhất là trong thời điểm nóng nhất hiện nay.
Khói từ rơm rạ nhả ra nhiều khí CO2, nếu số lượng rơm rạ đốt nhiều, người hít phải dễ bị ngạt, ngộ độc cácbonnic. Loại khí này hại cho cả người đốt và người hít phải, trong đó dễ bị ảnh hưởng nhất là người già và trẻ em.
Khí cácbonnic và cácbon trong khói làm khô niêm mạc mũi của người hít phải, khiến niêm mạc không lọc được khí độc hại, sau đó đi thẳng vào phổi gây ra những tổn thương cho hệ hô hấp như gây khô phổi, ảnh hưởng đến niêm mạc của đường hô hấp.
Trường hợp hít phải khí này nhiều có thể dẫn đến ngạt, ngộ độc khí cácbonnic qua các biểu hiện như ngạt, khó thở, người tím tái. Vì vậy khi có trường hợp bị ngạt và ngộ độc khí này nặng thì người nhà bệnh nhân cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để có các giải pháp cứu chữa kịp thời.
Còn theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho hay, ông nghi ngờ khói mù mịt ở Hà Nội là hiện tượng khói mù quang hóa.
Theo ông Hòe, thông thường, khói rơm rạ sẽ không phát tán mạnh nếu không có gió thổi. Trong khi đó, tốc độ gió có thể cảm nhận được trong tối nay rõ ràng là không lớn.
Nói về khói mù quang hóa, ông Hòe cho hay nó có nguồn gốc từ phát xả ô nhiễm dưới mặt đất, trong đó có khí giao thông, lò gạch, khí thải công nghiệp… Khi không khí dưới mặt đất nóng, nhưng lớp không khí trên cao còn nóng hơn thì sẽ không đối lưu được. Bởi vậy, chất độc hại từ tầng không khí bên dưới không thoát lên, tích tụ lại và tạo thành khói khi gặp một số điều kiện thời tiết nhất định.
“Nếu khói mù quang hóa gặp mưa thì sẽ dẫn đến mưa axít,” ông Hòe nói.
Ông cũng cho biết, ở một hàm lượng nhất định, khói mù quang hóa gây độc hại cho sức khỏe con người. Nó sẽ gây ra viêm phổi cấp, bỏng mắt, cháy lá cây…
Vẫn theo vị chuyên gia này, trong vài năm gần đây, hiện tượng khói mù quang hóa đã xảy ra ở Hà Nội không chỉ một lần. Thực tế, đã có lần ông Hòe phân tích và xác định khói ở Hà Nội chính là khói mù quang hóa.
Bởi vậy, ông cho rằng cơ quan chức năng về môi trường, cụ thể ở đây là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải có những nghiên cứu, quan trắc hết sức cụ thể và khoa học để có câu trả lời chính xác. Và khi đã xác định rõ khói ở Hà Nội là khói mù quang hóa thì phải đề ra biện pháp hạn chế, dẫn đến khắc phục để bảo vệ cuộc sống của người dân./.
Nhóm PV (Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/Home/Khoi-la-bao-phu-thanh-pho-Ha-Noi-la-loai-khoi-gi/20117/96243.vnplus
No comments:
Post a Comment